Một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng chất màu trắng bí ẩn được tìm thấy cùng với ba xác ướp cổ đại hóa ra từng là phô mai mềm kefir.

Năm 2003, các nhà khoa học đã phát hiện ba xác ướp cổ có niên đại 3.600 năm tại Trung Quốc trong Nghĩa trang Tiểu Hà, một khu mai táng từ thời Đồ đồng ở tây bắc Trung Quốc. Quanh cổ những xác ướp này có một chất màu trắng bám dính. Họ đã kiểm tra các xác ướp và xét nghiệm protein của chất màu trắng. Mới đây, việc chiết xuất và phân tích DNA của chất này đã hoàn thành, theo đó chất màu trắng là phô mai kefir – một sản phẩm sữa lên men giống sữa chua. Phân tích mới này đang làm sáng tỏ quá trình làm phô mai ở châu Á cổ đại.

“Đây là mẫu phô mai cổ xưa nhất được phát hiện trên thế giới”, nhà di truyền học cổ sinh Phó Kiều Mai tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết. “Những loại thực phẩm như phô mai cực kỳ khó bảo quản qua hàng ngàn năm, do đó đây là một cơ hội hiếm hoi và giá trị. Nghiên cứu phô mai cổ đại một cách chi tiết có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chế độ ăn và văn hóa của tổ tiên.”

Một trong ba xác ướp dính kefir (vị trí của phô mai được đánh dấu màu đỏ) là một người phụ nữ đội mũ nỉ, mặc áo khoác len và đi ủng da lót lông. Ảnh: Lý Văn Anh
Một trong ba xác ướp có dính kefir (vị trí của phô mai được đánh dấu màu đỏ) là một người phụ nữ đội mũ nỉ, mặc áo khoác len và đi ủng da lót lông. Ảnh: Lý Văn Anh

Các nhà nghiên cứu đã xác định được nhiều loài vi khuẩn và nấm trong phô mai, bao gồm Lactobacillus kefiranofaciensPichia kudriavzevii - chúng cũng xuất hiện trong nấm kefir hiện đại.

Cuối cùng, bằng cách giải trình tự gene vi khuẩn, các nhà nghiên cứu đã có thể “theo dõi cách vi khuẩn probiotic tiến hóa trong 3.600 năm qua” ở Trung Quốc. Các hạt L. kefiranofaciens trong phô mai trên xác ướp có liên hệ mật thiết với các hạt từ Tây Tạng. Sự hiện diện của những hạt này gợi ý rằng người dân ở vùng tây bắc Trung Quốc có thể đã tương tác với người Tây Tạng trong thời đại Đồ đồng, thực hiện “những trao đổi xuyên khu vực” do các nhóm du mục di chuyển xuyên Âu-Á, theo nghiên cứu. Những nhóm này nhiều khả năng đã lan truyền vi khuẩn thông qua hoạt động buôn bán các sản phẩm sữa và các thùng chứa của chúng.

“Tương tác giữa con người và vi khuẩn luôn thú vị”, đồng tác giả Lưu Dật Thần tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết. “Các vi khuẩn có khả năng lên men đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của con người cổ đại, và họ lan truyền những vi khuẩn này trong hàng ngàn năm mà không biết tới sự tồn tại của chúng.”

Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chíCell.

Nguồn: